Được chính thức cấp phát từ năm 2004, đến năm 2006, kho địa chỉ Internet
thế hệ mới IPv6 bắt đầu được triển khai rộng khắp toàn cầu và nhiều
nước cũng đã thành lập Uỷ ban thúc đẩy IPv6. Đầu tháng 3, các vùng địa
chỉ IPv4 cuối đã được tổ chức quản lý địa chỉ quốc tế (IANA) phân bổ cho
5 tổ chức quản lý cấp khu vực (đại diện cho 5 châu lục).
Kế hoạch hành động được ban hành là cơ sở để doanh nghiệp Internet xây
dựng phương án chuyển đổi, ứng dụng IPv6 phù hợp. Các cơ sở đào tạo CNTT
trong nước sẽ có kế hoạch cụ thể lồng ghép nội dung IPv6 trong các
chương trình đào tạo.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu các nhà cung cấp
dịch vụ Internet (ISP) nhanh chóng xúc tiến các hoạt động thử nghiệm,
chuyển đổi mạng lưới để từng bước cung cấp dịch vụ trên nền IPv6 tới
người dùng Internet Việt Nam. Chuyên đề IPv6 sẽ được đưa vào chương
trình đào tạo của các ngành điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin
trong trường Đại học theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo
để chuẩn bị nguồn lực được đào tạo cơ bản về IPv6, phục vụ cho công tác
chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam.
Lộ trình chuyển đổi sẽ được chia thành 3 giai đoạn với mục tiêu đến năm
2020, toàn bộ mạng lưới và dịch vụ Internet Việt Nam có thể hoạt động an
toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6 (tương thích với công nghệ IPv6).
Theo VnExpress